Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Dân Bình Thạnh quyết tử giữ đất !

QUẬN BÌNH THẠNH: THU HỒI DỰ ÁN NHƯNG VẪN LẤN, CHIẾM, HỦY HOẠI ĐẤT ĐAI CỦA DÂN

GNsP (18.11.2016) – 30 hộ dân thuộc khu phố 48, phường 22, quận Bình Thạnh đang sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi giới chức địa phương đe dọa sẽ cưỡng chế, giải tỏa nhà trong nay mai, trong khi nhà cầm quyền đã có quyết định thu hồi dự án số 5710/QĐ-UBND cách đây hơn một năm.

Cưỡng chế sai pháp luật

Nguyên nhân chính phủ thu hồi dự án vì đã kéo dài hơn 10 năm, từ năm 2001 cho đến nay, nhà cầm quyền địa phương vẫn chưa tổ chức triển khai thực hiện quyết định số 427/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.

Cách đây gần một năm, vào ngày 15.12.2015, nhà cầm quyền địa phương đã huy động lực lượng công quyền đến cưỡng chế, đập phá 30 căn hộ khác thuộc dự án này mặc dù đã có quyết định thu hồi dự án trước đó và các hộ dân cũng chưa được nhận được đền bù thỏa đáng.

Theo quyết định số 427/QĐ-TTg nêu rõ những hộ dân chưa được bồi thường một cách thỏa đáng, UBND phải tổ chức họp và công khai xin lỗi các gia đình này. Quyết định số 427/QĐ-TTg nêu:

“Đối với khu đất Công ty Thanh niên xung phong đã bồi thường cho các hộ dân: quản lý chặt chẽ, không để lấn chiếm.”

“Đối với khu đất chưa bồi thường: Giao Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh tổ chức họp dân công bố công khai đến người sử dụng đất được biết, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân quận và phường để người dân theo dõi, giám sát”.

“Chỉ đạo UBND phường 22, quận Bình Thạnh và các Phòng Ban trực thuộc giải quyết các thủ tục đất đai có liên quan cho người sử dụng đất theo đúng quy định.”

“Tổ chức kiểm tra, rà soát việc quản lý quy hoạch, sử dụng đất. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch trong khu vực theo đúng quy định: kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.”

Theo quy định của pháp luật, nhà cầm quyền đập phá ngôi nhà của các hộ dân này khi đã có quyết định thu hồi dự án là vi phạm pháp luật và có dấu hiệu “lấn, chiếm, hủy hoại đất đai”; “Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai”; “không cung cấp thông tin về đất đai” được quy định tại Điều 12 Luật Đất Đai và Bộ luật hình sự.

“Nhập nhằng” giữa dự án phục vụ công ích với dự án kinh doanh

Vào ngày 12.04.2001, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 427/QĐ-TTg phê duyệt thu hồi 29.827 m2 đất (lô 13 và 14) của các hộ dân thuộc phường 22, quận Bình Thạnh để giao cho công ty Thanh niên Xung phong đầu tư xây dựng khu nhà ở tái định cư đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Tuy nhiên, dự án khu nhà ở tái định cư được báo chí lề đảng nhận xét rằng “nhập nhằng” giữa quyết định cấp thủ tướng và UB thành phố. Bởi lẽ, kế hoạch dự án được triển khai sử dụng toàn bộ diện tích đất được thu hồi để “xây dựng khu nhà ở tái định cư”, nhưng Ủy ban lại thực hiện kế hoạch kinh doanh xây dựng “khu nhà ở cao tầng”. Nếu dự án này được thực hiện với mục đích kinh doanh thì chủ đầu tư phải công khai minh bạch dự án cho người dân hiểu và đồng ý chấp thuận, mức giá bồi thường được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người dân… thế nhưng, Ủy ban lại đứng ra thu hồi đất, bồi thường theo giá “nhà nước” phục vụ công ích thay cho “chủ đầu tư”. Hành vi của Ủy ban vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

30 căn hộ sắp bị giải tỏa nằm thọt lỏm giữa các chung cư cao vút, sang trọng và đắt tiền của Saigon Pearl dành cho những người giàu có. Mỗi căn hộ của chung cư có giá “cắt cổ” trên 20 tỷ VNĐ tương đương với 2000 USD (hơn 40 triệu VNĐ)/ 1m2 đất. Trong khi mức giá bồi thường nhà nước đưa ra quá giá “rẻ mạt” cho mỗi căn hộ từ 800 triệu – 1 tỷ VNĐ tương đương với 5 triệu VNĐ/ 1m2, người dân không đủ tiền mua một căn hộ chung cư xuống cấp, tồi tàn… ngay trong thành phố. Một khoản lợi nhuận chênh lệch khếch xù từ việc bồi thường và kinh doanh các căn hộ không biết sẽ đi về đâu, khi người dân oan bị tước đoạt mất nơi an cư lạc nghiệp suốt hơn 30 năm qua? Các chính sách công của nhà cầm quyền không thể loại trừ người nghèo, để chọn lựa người giàu, nếu như muốn phát triển một xã hội lâu bền.

Cách khu dân cư của những hộ dân này khoảng 100m, dự án “khu căn hộ chung cư và biệt thự cao cấp Vinhomes Tân Cảng” đang được xây dựng với quy mô hơn 43ha, tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng. Liệu, nhà đầu tư nào đó đã “mua chuộc”, “núp bóng” nhà cầm quyền để “bảo kê” cho dự án của họ được thực hiện trên những khu đất bị cưỡng chế một cách bất công và oan khiên, và những khoản tiền bồi thường mà người dân bị thiệt hại sẽ “chạy” về túi quan?

Oan khiên biết kêu ai?

Các hộ dân sắp bị giải tỏa đã đi gõ cửa đến các cấp có thẩm quyền nhiều năm trời, nhưng các quan vẫn im hơi lặng tiếng thậm chí còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Bà Mười, ngoài 70 tuổi, một trong số các hộ dân, uất ức, bật khóc và nói:

“Mình không biết kêu ai hết, đi nộp đơn khắp nơi luôn. Đây là dự án kinh doanh tại sao Ủy ban quận Bình Thạnh không cho người dân gặp chủ đầu tư. Do đó, người dân rất bức xúc. Nếu giải tỏa thì chính quyền phải đưa người dân đi nơi khác [tái định cư] hơn hoặc là bằng. Rất là lo. Nhiều đêm giật mình dậy thì vẫn biết mình vẫn ở trong nhà. Sợ lắm. Sợ không ngủ được. Không biết nhà mình sẽ bị ủy ban lấy lúc nào, cả nhà chúng tôi rất sợ. Tôi cũng không biết phải làm gì nữa.”

Buổi tối, các cán bộ thường xuyên xuống đe dọa các chủ nhà lo dọn dẹp nhà cửa, nếu không sẽ bị cưỡng chế bất cứ lúc nào. Nhiều cụ ông, cụ bà sống trong các hộ gia đình đã lớn tuổi, nhiều bệnh tật và sức khỏe kém, lo lắng cho thân phận gần đất xa trời khi nhà cầm quyền quyết giải tỏa đất thì không biết ông bà sẽ được mai táng ở đâu khi không còn nhà để ở, để tá túc an dưỡng tuổi già.

Bà Hồng, một trong số hộ dân sắp bị cưỡng chế, bày tỏ nỗi lo lắng: “Tôi mong muốn cấp trên xem xét lại cho người dân được nhờ, đi đến đâu họ cũng hẹn ngày này qua ngày khác. Tôi mong muốn ngưng cưỡng chế. Má tôi chín mươi mấy tuổi đang đau ốm mà cưỡng chế nhà tôi mà má tôi mất thì không biết như thế nào”.

“Nhờ ơn” Bác và Đảng, đâu cũng là nhà!?

Các cư dân khu phố 48, phường 22 đã sống tại quận Bình Thạnh ngót hơn ba mươi mấy năm, cuộc sống của họ khá ổn định do an cư lạc nghiệp, tuy rằng đa số họ là những người lao động chân tay như chạy xe ôm, bán hàng rong, sửa xe đạp… Thế nhưng, nhà cầm quyền địa phương đã vô tâm, tham lam và kém cỏi đã phá vỡ bầu khí đầm ấm, hạnh phúc của khu dân cư khiến cuộc sống của họ xáo trộn, lo lắng tìm chỗ trọ nay đây mai đó với giá rẻ ở những nơi như Thủ Đức, Quận 12, Hóc-Môn…

Ông Ân, một trong những hộ dân đã bị cưỡng chế đất cách đây gần 1 năm, buồn rầu và nói: “Từ khi nhà nước cưỡng chế cho đến hôm nay thì không có một cơ quan hay một đơn vị nào đến hỏi thăm. Chúng tôi đã đi kêu gào, khiếu nại đến các cấp chính quyền nhưng họ cứ nói cái này nói cái kia. Chúng tôi mướn chỗ này chỗ nọ, nơi nào rẻ thì mướn. Tôi ở tù còn sướng hơn, bởi vì trong tù còn có chỗ che mưa, che nắng, còn có cơm ăn, cái này còn hơn người tù và tội phạm. Tôi nghĩ rõ ràng nhà nước cướp quyền sống của người dân, hủy hoại tài sản của người dân.”

30 căn hộ dãy nhà A thuộc khu phố 48, phường 22 đã bị cưỡng chế, đập phá tan tành cách đây hơn một năm, trở thành một khu đất trống, được rào chắn bởi các tấm bạt và sắt B40 bao xung quanh, để không cho ai ra vào khu vực này. Đất để trống, không người quản lý đã trở thành bãi rác bốc mùi hôi thối, trong khi các hộ dân này không có nhà để ở, sống lây lất hết chỗ này đến chỗ nọ với đời sống kinh tế của họ ngặt nghèo.

Ông Nguyễn Văn Khá, chạy xe ôm, một trong những hộ dân đã bị cưỡng chế đất cách đây gần 1 năm, chia sẻ: “Đã vô gia cư thì không thể nào an cư lạc nghiệp, địa phương này đã đuổi chúng tôi ra khỏi nhà gần một năm nay mà không đơn vị nào quan tâm đến và hỏi han. Chúng tôi chưa nhận tiền đền bù. Hàng tháng tôi thuê một phòng 3 triệu.”

Vì con vì cháu, quyết giữ đất

Hiện Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh đã ra quyết định số 9160/QĐ-UBND thông báo sẽ cưỡng chế, giải tỏa 30 căn hộ còn lại thuộc khu phố 48, phường 22 từ ngày 12.11 – 30.11.2016. Thông báo này đã gây hoang mang cho bà con khi chưa có một quyết định bồi thường thỏa đáng nào cho người dân.

Ông Chẵng, một hộ dân sắp bị cưỡng chế, quyết sống để giữ đất, khẳng khái nói: “Ba đời gia đình chúng tôi sống sót trong căn nhà này, bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ vô đây, nếu chính quyền cưỡng chế thì tôi có thể hy sinh mạng sống của tôi để bảo vệ đời cháu của tôi, tôi phải bảo vệ mảnh đất của chúng tôi, tôi không thể giao lại được trong khi chưa có đền bù thỏa đáng cho chúng tôi. Bằng mọi giá phải bảo vệ cái nhà của mình, khi không mình bị cướp thì oan ức quá, mình phải đấu tranh để bảo vệ cho nhà của mình.”

Trong đợt cưỡng chế hồi năm ngoái, ông cụ Trần Công Hoàng, 78 tuổi, đã choàng xây xích vào cổ, đòi tự vẫn khi đoàn cưỡng chế xông vào nhà đập phá nhà của ông. Do sức khỏe kém và không đủ sức chống chọi, đoàn cưỡng chế đã đưa ông ra ngoài và tiến hành tháo dỡ căn nhà. Hiện nay, ông cùng gia đình đi xa thành phố để tìm phòng trọ sống cho qua ngày đoạn tháng.

Hiện nay, chúng tôi chỉ có tờ giấy phôtô Quyết định thu hồi dự án số 5710/QĐ-UBND nên có thể đặt giả thiết rằng đây là công văn giả. Nếu quả thật có văn bản này thật thì quản lý đất đai nhà nước có vấn đề chăng? Khi không công khai minh bạch dự án, không bồi thường thỏa đáng cho người dân, giấu nhẹm quyết định thu hồi dự án của chính phủ đã phê duyệt…

Huyền Trang, GNsP

http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/11/18/quan-binh-thanh-thu-hoi-du-an-nhung-van-lan-chiem-huy-hoai-dat-dai-cua-dan/

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Tin buồn !

TIN BUỒN

Ông Lê Hồng Hà, nguyên Chánh văn phòng Bộ Nội vụ (Bộ Công an ngày nay), người được Tổng bí thư Lê Duẩn và Trưởng ban Tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Đức Thọ trao nhiệm vụ trấn áp cái gọi là "nhóm xét lại chống Đảng".
Sau, hiểu ra thực chất của vụ án là sự trấn áp những người bất đồng với đường lối độc tài phản dân chủ, tuân lệnh ban lãnh đạo Trung Quốc, chủ trương dùng bạo lực thống nhất đất nước, ông đã cùng với ông Nguyễn Trung Thành, vụ trưởng trong Ban Tổ chức trung ương Đảng (là người được Lê Đức Thọ cử đặc trách vụ án này), đề nghị đảng phải xem xét lại vụ án bất công này. Kết quả là cả hai ông đều bị khai trừ khỏi đảng.
Cũng từ đó ông Lê Hồng Hà trở thành một người đấu tranh hết mình cho sự nghiệp dân chủ hoá đất nước.
Ông mất đi là một tổn thất rất lớn cho phong trào dân chủ Việt Nam.
Chúng tôi, những người sống sót của "nhóm xét lại chống Đảng" cùng thân nhân những người trong vụ án xin gửi lời chia buồn thống thiết tới gia đình ông Lê Hồng Hà và khấp báo cùng anh chị em dân chủ và bằng hữu.

Vũ Thư Hiên. 

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Nhà cầm quyền cộng sản bỏ rơi dân sau khi xả lũ giết dân !

LINH MỤC ANTÔN ĐẶNG HỮU NAM THĂM BÀ CON VÙNG RỐN LŨ

 Mặc dù bận rộn với công việc đồng hành cùng bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu trong quá trình khởi kiện Formosa và yêu cầu nhà cầm quyền bồi thường thỏa đáng cho người dân sau vụ thảm họa biển chết-cá chết, cha Antôn Đặng Hữu Nam vẫn dành thời gian đến thăm bà con vùng rốn lũ vùng sâu vùng xa, tại tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 07-10.11.2016.

Cùng đi tháp tùng với cha Quản xứ giáo xứ Phú Yên, Giáo phận Vinh là nhóm bạn Tuổi Trẻ-Lòng Nhân Ái. Nhóm các bạn trẻ cũng gửi 20.000.000 VNĐ của các nhà ân nhân đến bà con vùng lũ.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là thăm bà con giáo xứ Tân Hội thuộc giáo hạt Ngàn Sâu, G.p Vinh. Món quà 35.000.000 VNĐ “lá rách đùm lá nát” được đóng góp từ bà con ngư dân giáo xứ Phú Yên, được đại diện Hội đồng Mục vụ Gxứ Phú Yên trao tận tay đến cha Quản xứ Phêrô Dương Sỹ Nho, sau những đợt xả lũ thủy điện Hố Hô “đúng quy trình” của giới chức cộng sản đã khiến bà con giáo xứ rơi vào cuộc sống khốn cùng.

Cũng trong giáo xứ Tân Hội, cha Antôn đến hỏi thăm người già neo đơn, bệnh tật và thăm những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, và ngài chia sẻ cho mỗi hộ một xuất quà trị giá 500.000 VNĐ – 6000.000 VNĐ. Hơn 200 hộ gia đình kể cả người lương cũng được ngài tận tình đến tư gia thăm hỏi.

Nhiều cụ già đã nằm liệt giường hơn gần 10 năm nay, cóng rét sau những ngày bão lũ, bật khóc và ôm chầm lấy cha Antôn khi được ngài đến thăm. Tuy nằm một chỗ, nhưng cụ bà Lan, 105 tuổi, biết khá rõ và tường tận về sức khỏe của cha Antôn, với ánh mắt trìu mến và với sự đơn sơ cụ thỏ thẻ với cha rằng: “Cha có khỏe không? Sao người bệnh lại đi thăm người ốm vậy?”.

Xả lũ thủy điện Hố Hô “đúng quy trình” của nhà cầm quyền đã cướp đi mạng sống của người cha, người chồng là trụ cột trong gia đình và bỏ lại người vợ trẻ cùng với đàn con thơ dại. Chị Thanh, giáo dân giáo xứ Tân Hội, chia sẻ rằng, chồng chị thường xuyên đi rừng kiếm củi, gỗ để nuôi gia đình. Cách đây ba năm, cũng vào thời gian này, sau những ngày làm việc vất vả, chồng chị trên đường trở về nhà, gặp đúng thời điểm xả lũ thủy điện Hố Hô, nước chảy xiết, chồng chị không kịp trở tay nên đã bị dòng nước cuốn trôi và không tìm thấy thi thể. Gia đình chị báo cho nhà cầm quyền địa phương để làm giấy khai tử, nhưng cán bộ khăng khăng nhất quyết yêu cầu gia đình phải tìm thấy thi thể rồi mới cho làm giấy khai tử. Chị nói rằng, nếu gia đình nào có nạn nhân bị tử vong do lũ sẽ được xã hỗ trợ 7-8 triệu để lo chi phí mai táng với điều kiện là phải có giấy khai tử. Nhưng xã lại cho rằng không có nguồn ngân sách nào hỗ trợ cho các nạn nhân bị tử vong do lũ, sau khi gia đình chị đã hoàn tất các thủ tục cần thiết.

Cách đây 6 năm, giới chức cộng sản xả lũ thủy điện Hố Hô làm cho hàng ngàn gia đình chìm trong biển nước, gia súc và súc vật chết trôi, hoa mầu ngập úng, nhiều người tử vong… nhưng không có một hỗ trợ nào cho người dân từ phía nhà nước. Năm nay, “thảm họa” Hố Hô lại tiếp tục xảy ra cho bà con nghèo Miền Trung tại Hà Tĩnh.

“Chúng ta phải cùng nhau đòi lại những gì đã mất, đòi lại môi trường, đòi lại cơ hội để ông bà anh chị em có thể an cư lạc nghiệp, bởi vì đập Hố Hô còn thì không biết đến bao giờ anh chị em mới có cơ hội an cư lạc nghiệp.” Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục G.p Vinh, chia sẻ với bà con giáo dân giáo họ Phú Lễ thuộc giáo xứ Tân Hội, giáo hạt Ngàn Sâu, G.p Vinh vào ngày 08.11.2016.

Pv.GNsP

http://www.tinmungchonguoingheo.com/blog/2016/11/11/linh-muc-anton-dang-huu-nam-tham-ba-con-vung-ron-lu/