Chưa nhận tiền đền bù đã bị cưỡng chế
Trong đơn kiến nghị gửi Báo Lao Động & Đời sống, các con cháu của nhà thơ Tú Mỡ (tức ông Hồ Trọng Hiếu) trình bày rằng, mảnh đất và ngôi nhà từ số 1236 đến 1248 đường Láng, phường Láng Thượng (Đống Đa) là của cố nhà thơ Tú Mỡ (1900 - 1976) để lại cho con cháu với diện tích 1.435m2.
Năm 1978, TP.Hà Nội mở rộng đường Láng, Nhà nước đã lấy 220m2 đất để làm đường, gia đình con cháu cố nhà thơ Tú Mỡ không lấy một đồng đền bù nào. Năm 2003, UBND quận Đống Đa đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 8 đồng sở hữu, bao gồm: ông Hồ Quốc Dũng, ông Hồ Quốc Hùng, ông Hồ Quốc Vỹ, ông Hồ Quốc Cường - các con trai của cố nhà thơ Tú Mỡ, bà Hồ Thị Chuyên, bà Hồ Thị Hạnh - các con gái của cố nhà thơ, bà Hồ Thị Thảo và bà Trần Thị Xuyến - con dâu trưởng của cố nhà thơ.
Tuy nhiên, theo các con cháu cố nhà thơ Tú Mỡ, việc cấp GCNQSDĐ như trên là sai Luật Đất đai, vì gia đình bà Hồ Thị Thảo đã ra nước ngoài sinh sống từ năm 1975, đã mang quốc tịch nước ngoài và mất ở nước ngoài; ông Hồ Quốc Dũng đã chết năm 1998, tức là chết trước thời điểm được cấp GCNQSDĐ.
Việc cấp GCNQSDĐ như vậy gây ra rất nhiều khó khăn, phiền hà cho gia đình trong quá trình sử dụng đất và cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). “Chúng tôi cũng không biết tài sản chung của cha ông để lại sẽ được giải quyết ra sao sau công tác đền bù GPMB và phần diện tích còn lại sẽ được thực hiện thế nào nếu gia đình tôi xin phép xây dựng và cải tạo. Gia đình đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giúp đỡ, hướng dẫn cách giải quyết các vướng mắc liên quan đến đồng sở hữu nhưng vẫn chưa nhận được bất cứ hướng dẫn nào”, ông Hồ Quốc Cường - con trai út cố nhà thơ Tú Mỡ - trình bày. Trong quá trình triển khai công tác đền bù GPMB để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai II, cho đến thời điểm hiện tại, gia đình con cháu cố nhà thơ Tú Mỡ mới nhận được duy nhất 1 bản dự thảo phương án đền bù năm 2013.
Trong khi các hộ gia đình là con cháu cố nhà thơ Tú Mỡ đang sinh sống trên mảnh đất từ số nhà 1236 đến 1248 đường Láng, phường Láng Thượng chưa được các cơ quan chức năng hướng dẫn giải quyết vướng mắc cho gia đình trong việc nhận tiền đền bù liên quan đến đồng sở hữu, chưa nhận được thông báo mời nhận tiền đền bù, chưa thông báo cho gia đình về phương án đền bù GPMB được phê duyệt, chưa bố trí tái định cư cho các hộ bị GPMB thì ngày 16.6 vừa qua, UBND quận Đống Đa đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai II đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy (đoạn qua địa bàn quận Đống Đa) và mời duy nhất hộ ông Hồ Quốc Cường đến nhận quyết định cưỡng chế. Đến ngày 14.7, các cơ quan chức năng đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ nhà cửa để thu hồi đất.
Cũng theo đơn kiến nghị, công tác đền bù GPMB cho các gia đình con cháu cố nhà thơ Tú Mỡ được UBND quận Đống Đa thực hiện trong năm 2015 nhưng lại áp dụng đơn giá đất năm 2013 làm giá đền bù. Theo các con cháu cố nhà thơ Tú Mỡ, đây là điều hết sức phi lí.
 Phần đất của gia đình nhà thơ Tú Mỡ vừa bị giải tỏa.
“Chúng tôi sẵn sàng giao đất”
Việc cưỡng chế đất của UBND quận Đống Đa đã gây bức xúc cho con cháu nhà họ Hồ, khiến cuộc sống của 8 gia đình đang sinh sống, kinh doanh trên mảnh đất này bị ảnh hưởng và rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất. Theo ông Cường, năm 1930, được sự hỗ trợ của các nhà văn, nhà thơ và bạn bè, nhà thơ Tú Mỡ đã tiến hành xây dựng một căn nhà 3 gian có tổng diện tích là 180m2, căn nhà từng là nơi gặp gỡ, hội họp của các nhà thơ, nhà văn tiền bối trong “Thất tinh bát tú” của Tự lực văn đoàn. “Sau khi bố tôi mất, ngôi nhà này trở thành nhà lưu niệm lưu giữ những tác phẩm văn thơ, huân huy chương… của bố tôi và là nơi để bạn đọc yêu văn thơ Tú Mỡ đến để tri ân, tưởng nhớ ông, giờ thì… đổ sập hết rồi”, ông Cường bùi ngùi.
Cũng theo ông Cường, trong quá trình cưỡng chế, các cơ quan chức năng đã tháo dỡ bàn thờ tổ tiên, thu giữ toàn bộ bàn ghế, huân huy chương… trưng bày trong nhà lưu niệm cố nhà thơ Tú Mỡ đem đi nơi khác mà không thông báo cho gia đình là đưa đi đâu.
“Nhiều con cháu trong gia đình chúng tôi từ trước đến nay sống bằng nghề kinh doanh, buôn bán, giờ bị lấy đất nên nhiều người chưa biết phải sống bằng nghề gì, ở chỗ nào. Gia đình chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương phát triển đô thị của thành phố. Nếu được đền bù xứng đáng, hướng dẫn cho gia đình biết rõ về vướng mắc trong việc nhận tiền đền bù liên quan đến đồng sở hữu thì gia đình chúng tôi sẽ sẵn sàng giao đất chứ không cần cưỡng chế, mong cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện cấp trả đất để gia đình xây dựng lại nhà lưu niệm nhà thơ Tú Mỡ”, ông Cường chia sẻ.
Anh Hồ Tuấn Anh (cháu cố nhà thơ Tú Mỡ) cho biết, ngôi nhà của anh chỉ có khoảng 1/3 diện tích nhà nằm trong chỉ giới bị giải tỏa, gia đình anh chưa nhận được một đồng tiền đền bù nào, cũng chưa được bố trí tái định cư nhưng đã bị cơ quan chức năng cho máy xúc vào phá dỡ làm đổ sập hoàn toàn ngôi nhà. “Mấy ngày nay, vợ chồng tôi và 2 đứa con nhỏ phải ăn nhờ ở đậu nhà người thân, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn vì không còn nhà để sinh sống, không còn mặt bằng để buôn bán. Gia đình tôi chưa biết sẽ sinh sống bằng nghề gì, cơ quan chức năng cũng chưa có lời thăm hỏi động viên nào đến với gia đình. Mong cơ quan chức năng sớm trả tiền đền bù nhà, bố trí tái định cư để gia đình tôi và các gia đình bị GPMB sớm được ổn định cuộc sống”, anh Tuấn Anh nói.
Để làm sáng tỏ vấn đề mà các gia đình con cháu cố nhà thơ Tú Mỡ kiến nghị, phóng viên đã đặt lịch hẹn phỏng vấn với UBND quận Đống Đa vào chiều 17.7 tuy nhiên đến sáng 21.7, khi phóng viên đến trụ sở UBND quận Đống Đa thì nhận được câu trả lời từ cán bộ văn phòng là: Đã gửi yêu cầu lên lãnh đạo phụ trách tuy nhiên lãnh đạo vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo. Tương tự, khi phóng viên tìm đến UBND phường Láng Thượng, cán bộ văn phòng tại đây cũng khẳng định, đã chuyển yêu cầu của phóng viên lên lãnh đạo để sắp xếp lịch phỏng vấn, tuy nhiên lãnh đạo đang bận nên chưa sắp xếp được lịch, nguyên nhân mà vị cán bộ này đưa ra là lãnh đạo bận tiếp sở và lo cho công việc chuẩn bị ngày 27.7. Khi tìm đến Ban bồi thường GPMB, Trưởng ban bồi thường GPMB quận Đống Đa cho rằng, chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nên không tiện trả lời.
Lao Động và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.