Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Dack Nong - bắt người khiếu kiện để bưng bít tội tham nhũng, cướp đất của dân.


(VNTB) - Sáng 26/12/2014,  Công an Huyện Tuy Đức,  Tỉnh Đak Nông đã bắt bà Hương - một trong số 300 hộ dân khiếu kiện Nông trường Đak Ngo, trực thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Đak Nông.

Dân Dack Nong trực cả đêm tại trụ sở Nông trường yêu cầu gặp lãnh đạo giải quyết.

Vụ khiếu nại liên quan kéo dài suốt mấy năm nay xuất phát từ việc Nông trường Đak Ngo - trước đây thuộc Công ty 719 - bất ngờ đổi hợp đồng với các xã viên từ thời hạn 30 năm xuống 5 năm, đẩy hơn 1000 nhân khẩu trong 300 hộ dân đến tình thế vốn đã từng “sống vô gia cư chết vô địa táng’’ vì không có đơn vị quản lý hành chính, không nhà cửa, nay có nguy cơ mất trắng mọi tài sản đã xây dựng bao năm qua.


Trong quá trình khiếu kiện, các hồ sơ được người dân phanh phui đã lộ ra vô số những sai phạm của phía Nông trường cũng như Công ty Cà phê Đak Nông – Thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam.

Từ chuyện Nông trường "mươn" mỗi hộ dân 800kg cà phê nhân đến nay chưa trả, khi được hỏi thì câu trả lời là "quên" (! ), đến chuyện khi các hộ dân trong quá trình canh tác, do yếu tố mùa vụ, có năm thất thu, cây chết... lại không được xem xét điều chỉnh sản lượng. Một số hộ vì thiếu nợ chỉ trên dưới chục triệu đồng thì bị Nông trường thu đất vườn  bán cho người khác.


Từ hợp tác tới âm mưu độc chiếm

Theo tinh thần bản Hợp đồng hợp tác sản xuất cà phê đã ký với thời hạn 30 năm trước đây, phía Nông trường đầu tư, xã viên chịu trách nhiệm canh tác, nộp sản theo một mức sản lượng nhất định. Nông trường có trách nhiệm bố trí đất ở định cư lâu dài, đầu tư các cơ sở, dịch vụ an sinh xã hội như đường, trường, trạm y tế.v,v.

Thế nhưng, các chứng từ chúng tôi có trong tay và phản ánh của người dân thì tiền khai hoang, tiền cây giống, tiền phân bón, lãi vay... tất cả người dân đều phải chịu. Đường đi, trường mẫu giáo.. cũng do xã viên góp tiền xây dựng. Như vậy về nguyên tắc hoạch toán quản lý, Nông trường đầu tư gì và hợp tác ra sao?

Chưa dừng lại ở các mánh khóe, chiêu trò trong hợp đồng, trước tình hình quỹ đất và giá trị đất vườn ở Đak Nông đã lên cao, để thực hiện mục tiêu hô biến tài sản của người dân vào tay mình, Nông trường Đak Ngo dụ xã viên ký vào hợp đồng mới với thời hạn 5 năm,  thay cho hợp đồng cũ là 30  năm, bỏ qua các cam kết liên quan trách nhiệm bố trí đất ở,  điều kiện an sinh xã hội khác đối với hoạt động sản xuất,  sinh sống lâu dài là những vấn đề vốn gắn bó mật thiết với việc hình thành Nông trường. Việc thay đổi hợp đồng mới, theo tài liệu chúng tôi hiện có, không chỉ thể hiện sự bất bình đẳng, cố ý gây thiệt hại cho người dân là các công nhân Nông trường. Một số  người dân phản ánh trực tiếp thì trong đó có cả một số hợp đồng là giả mạo chữ ký của xã viên.

Về hoạt động kinh doanh, trên nguyên tắc hợp tác, rõ ràng tài sản của Nông trường là tài sản chung của tất cả các công nhân. Thậm chí vốn của Nông trường cũng có phần là "mượn" của dân thông qua khoản nợ 800kg cà phê nhân mỗi hộ đã nói trên. Trong khi Nông trường tự ý xuất tiền đi buôn xăng dầu - buôn lậu xăng dầu Campuchia - dẫn đến thất thoát nhiều tỷ đồng không thu hồi được thì tự xử lý xóa nợ không hề có báo cáo nào với công nhân (?! ). 

Ngoài khoản thu cà phê sản lượng hàng năm, các khoản thu xã hội khác tại đây cũng nhiều chuyện khó hiểu. Là khu vực vùng sâu,  vùng xa, gần biên giới.. nhưng phí an ninh quốc phòng tại đây là  150.000đ/ha (thay vì theo người), cao gấp nhiều lần nơi khác.  Kỳ lạ hơn là khoản đảng phí được thu đều tất cả những công nhân là những người không phải là đảng viên!  Phần đất ở được UBND Tỉnh phê duyệt trong dự án để cấp cho các hộ dân tại đây,  Nông trường bắt xã viên không cấp mà buộc phải đóng tiền.  Trong khi các hộ dân chưa có đất ở thì hầu hết các cán bộ Nông trường đều có vài ba lô ở vị trí thuận lợi nhất..

Những sai phạm và thiệt thòi của hơn 1.000 con người ở đây từng bị tố cáo,  khiếu kiện nhiều lần. Chứng cớ thể hiện quá rõ ràng nhưng bao nhiêu lần thanh tra, làm việc với dân không hề có bất cứ xử lý nào đối với lãnh đạo Nông trường, Công ty TNHH MTV Cà phê Đak Nông. Thậm chí ngay cả Tổng công ty Cà phê Việt Nam cũng không thể hiện một trách nhiệm nào rõ ràng, cụ thể.  Báo chí cũng đã từng vào cuộc nhưng chính quyền Đak Nông không có xử lý thỏa đáng.  Buộc lòng người dân phải tập trung lên tỉnh và cả trung ương để khiếu nại.


Thay vì điều tra sai phạm, chuyển sang trấn áp người khiếu kiện

Tháng 5/2014,  trước sức ép của dân.  UBND Tỉnh Đak Nông đã chỉ đạo cho cơ quan điều tra CA Tỉnh vào cuộc. Chính quyền Tỉnh Đak Nông đã ra quyết định chuyển 300 hộ dân  thành lập thôn xóm thuộc quản lý hành chính của xã Đak Ngo, Huyện Tuy Đức, tạm coi như người dân ở đây sau hơn 10 năm trời có tên có tuổi, là công dân của đất nước.

Trong khi đó, tiến trình điều tra suốt mấy tháng qua được hứa hẹn rất nhiều nhưng chưa đưa ra được bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy chính quyền đang quan tâm tới quyền lợi người dân.

Tháng 9/2014, một cuộc họp, làm việc với dân được cho là có cả đại diện Bộ Nông nghiệp, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, chính quyền Tỉnh Đak Nông.. với người dân được tiến hành bằng cách gửi giấy mời qua email đối với một cộng đồng vùng sâu, vùng xa không hề có internet. Và giấy mời cũng chỉ gửi cho mấy người chứ không phải cho tất cả những hộ dân ở đây.

Những tưởng oan trái và công bằng tối thiểu cho hơn  1.000 con người có cơ hội được sáng tỏ dần bị che phủ bởi các hành vi ngăn cấm người dân khiếu kiện...

Trước việc Đoàn thanh tra Chính phủ vào làm việc hôm 26/12/2014, cách đây  nửa tháng, hơn một chục người là những người được bà con ủy quyền đại diện hoặc có thái độ kiên quyết nhất trong vụ khiếu kiện -  trong đó có bà Hương và cả những trẻ em mới 12 tuổi cũng bị mời lên làm việc. Một số người đã bị CA Tuy Đức gọi lên làm thủ tục đeo bảng chụp hình,  lăn tay như làm hồ sơ tội phạm. 

Ngay trước buổi làm việc của đoàn Thanh tra Chính phủ với dân hôm 26/12, bà Hương - một trong những người năng  động nhất  - bị CA bất ngờ còng tay đưa đi. Tin từ người dân Đak Ngo cho biết là vì "liên quan lừa đảo".

Tuy nhiên,  điểm lại các hành động từ phía chính quyền cho thấy: Thực chất mục đích là ngăn chặn bà Hương có mặt trong buổi làm việc của đoàn Thanh tra Chính phủ. Chưa biết cụ thể và tiến trình xử lý ra sao.
Chi tiết toàn bộ tiến trình vụ khiếu nại và các diễn biến liên quan chúng tôi sẽ cập nhật và đăng tải trong các bài tiếp theo.  Rất mong các độc giả quan tâm chia sẽ rộng rãi  nhằm ủng hộ cho bà con Đak Ngo. Yêu cầu chính quyền Đak Nông và Chính phủ có những giải quyết cho những sai phạm và bất công tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét