Vụ “trụ sở nghìn tỉ” Hải Dương: Có dấu hiệu trái pháp luật về đất đai?

Vụ “trụ sở nghìn tỉ” Hải Dương: Có dấu hiệu trái pháp luật về đất đai?Vụ “trụ sở nghìn tỉ”: Có dấu hiệu trái pháp luật về đất đai?
Đó là phân tích của Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) xung quanh quyết định thu hồi và giao đất của UBND tỉnh Hải Dương để có khu đất muốn xây dựng “trụ sở nghìn tỉ”.

Theo thông tin mà PV Infonet tìm hiểu được, để có khu đất vàng xây dựng khu văn hóa thể thao và bây giờ là nơi dự kiến đặt “trụ sở nghìn tỉ” của tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 3986/QĐ-UB ngày 25/09/2002,  do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Bình ký. 
Quyết định này thu hồi 245.935 m2 (tương đương gần 24,6 ha) đất do các hộ gia đình xã Hải Tân, Trần Phú Tp Hải Dương đang sử dụng giao cho UBND Thành phố Hải Dương quản lý.
Căn cứ vào những cơ sở pháp lý mà UBND tỉnh Hải Dương viện dẫn tại Quyết định số 3986/QĐ-UB, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội).
- Căn cứ vào Quyết định số 3986/QĐ-UB của UBND tỉnh Hải Dương, theo luật sư, quyết định này có phù hợp với cơ sở pháp lý mà văn bản này viện dẫn hay không?
- Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định tại Điều 27 Luật đất đai 1993 thi: Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại.
Điều 28 Luật này cũng quy định: Việc thu hồi đất để chuyển sang mục đích khác phải theo đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.”.
Mặt khác, Luật đất đai 1993 cũng quy định về hạn mức giao đất theo Khoản 3, Điều 23 Quy định.
Cũng theo các quy định của Luật đất đai năm 1993 (có hiệu lực từ 15/10/1993 đến 01/7/2004) thì UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao đất và thu hồi đất của tổ chức; UBND cấp quận, huyện có thẩm quyền thu hồi đất, giao đất cho hộ gia đình, cá nhân. Việc thu hồi đất phải căn cứ vào quy hoạch, việc giao đất phải dựa trên quy hoạch và định mức như đã nêu trên. 
Vì vậy, để xem xét việc UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định thu hồi đất trên có hợp pháp hay không thì cần kiểm tra lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xem xét hạn mức thu đất giao đất như đã nêu ở trên. Nếu UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định thu hồi đất tổng thể của nhiều hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh thì UBND cấp huyện vẫn phải ra quyết định thu hồi đất cụ thể đối với từng hộ gia đình, cá nhân và lên phương án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định. 
Trụ sở của nhiều ban ngành hoành tráng nhưng UBND tỉnh Hải Dương vẫn đề xuất xây "trụ sở nghìn tỉ". Ảnh Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương đẹp đẽ, khang trang.
- Quyết định của UBND tỉnh Hải Dương thu hồi và giao là gần 24,6 ha, theo Luật Đất đai năm 1993 mà luật sư vừa đưa ra, với diện tích như vậy UBND tỉnh có làm đúng các quy định thu hồi, giao đất hay không?
Luật sư Trần Minh Hùng, Hãng luật Gia Đình (Đoàn Luật sư TpHCM) cũng khẳng định: “Nếu căn cứ vào cơ sở pháp lý của Quyết định số 3986/QĐ-UB thì Quyết định này đã vi phạm quy định về hạn mức giao đất. Đây là một quyết định trái thẩm quyền vi phạm Điều 23 Luật Đất đai năm 1993. Nếu quyết định này là trái thẩm quyền thì sẽ có nhiều hệ lụy kéo theo đối với khu đất dự kiến xây “trụ sở nghìn tỉ” ở Hải Dương".

- Luật sư Đặng Văn Cường: Khoản 2, Điều 18, Luật đất đai năm 1993 quy định: "Chính phủ xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương". 
Điều 28, quy định: "Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó.
Việc thu hồi đất để chuyển sang mục đích khác phải theo đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Trước khi thu hồi đất phải thông báo cho người đang sử dụng biết về lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại.
Trong trường hợp có nhu cầu khẩn cấp của chiến tranh, chống thiên tai hoặc trong tình trạng khẩn cấp, thì việc trưng dụng đất do Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên quyết định. Hết thời hạn trưng dụng, người sử dụng đất đượctrả lại đất và được đền bù thiệt hại do việc trưng dụng gây ra theo quy địnhcủa pháp luật.".
Như vậy, việc thu hồi đất với diện tích bao nhiêu ha, vị trí nào, mục đích thu hồi và sử dụng tiếp theo vào việc gì phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được Chính Phủ phê duyệt.
Đối với hạn mức giao đất thì được quy định tại khoản 3, Điều 23 Luật đất đai năm 1993 như sau: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giao đất để sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo quy định sau đây:
“a) Từ 1 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị và từ 2 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình không thuộc các trường hợp quy định tại mục b khoản 3 Điều này;
b) Từ 3 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị; từ 5 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình đường bộ, đường sắt, đường dẫn nước, đường dẫn dầu, đường dẫn khí, đường điện, đê điều và từ 10 ha trở xuống đối với đất trống, đồi núi trọc cho mỗi công trình xây dựng hồ chứa nước;
c) Giao đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng để hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở; đấtchuyên dùng này để sử dụng vào mục đích chuyên dùng khác hoặc để làm nhà ở; đất đô thị theo định mức do Chính phủ quy định;
d) Kế hoạch giao đất khu dân cư nông thôn để Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giao đất cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở.”
- Nếu quyết định thu hồi đất, giao đất năm 2002 của UBND tỉnh Hải Dương không hợp pháp thì cơ sở hình thành đất xây dựng trụ sở nghìn tỉ là không hợp pháp đúng không, thưa luật sư?
- Luật sư Đặng Văn Cường: Như đã nói ở trên, để xem xét tính pháp lý của Quyết định thu hồi đất năm 2002 của UBND tỉnh Hải Dương có hợp pháp hay không cần xem lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương này đã được Chính Phủ phê duyệt. Nếu việc thu hồi đất đó không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt thì quyết định đó sẽ trái pháp luật. Ngoài ra, nếu việc giao đất vượt quá hạn mức giao đất theo quy định tại Điều 23 Luật đất đai năm 1993 nêu trên thì việc giao đất như vậy cũng không phù hợp với pháp luật và quyết định đó sẽ có thể bị hủy bỏ theo thủ tục hành chính hoặc tố tụng hành chính.
Khi có một cơ quan, tổ chức đứng ra xem xét lại giá trị pháp lý của Quyết định hành chính đó mà xác định có sai phạm cần phải hủy bỏ thì việc sử dụng đất cũng sẽ bị đình chỉ và phải sử dụng đất đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Báo điện tử Infonet sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trong các ngày tới!
Hồng Chuyên