Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Quan Hải phòng giúp gì cho dân ?

Người dân 13 năm khiếu kiện, Hải Phòng 12 năm lo… gỡ

Dân oan Hải phòng . 
- Đã rất nhiều văn bản, thông báo, báo cáo… được Cục THADS TP.Hải Phòng gửi lên các cơ quan chức năng để báo cáo, chỉ đạo, xin ý kiến xử lý… vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Tuy nhiên, theo bà Tự, đơn vị này đã “không trung thực”!
Lỗi thuộc về cơ quan thi hành án!
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Hồng Quang, Quyền Cục trưởng Cục THADS TP.Hải Phòng cho biết: vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, sai phạm thuộc về cơ quan thi hành án. Vụ việc kéo dài nhiều năm gây mất trật tự, an toàn xã hội địa phương đang được các cấp, ngành và dư luận Hải Phòng đặc biệt quan tâm.
Ngày 13/11/2014, Cục THA đã mời bà Phạm Thị Hồng Tự đến để nghe nguyện vọng của công dân để báo cáo lên Tổng Cục thi hành án (Bộ Tư pháp) để xin ý kiến chỉ đạo.
tranh chấp, 13 năm, đất, Hải Phòng, THADS
Thửa đất tranh chấp 13 năm tại địa chỉ số 12, đường Ngô Gia Tự, quận Hải An, TP.Hải Phòng
Trong báo cáo số 1266/CV-CTHA gửi Tổng cục Thi hành án dân sự ngày 19/11/2014, Cục THA TP.Hải Phòng nêu rõ: nguyện vọng của bà Tự là tài sản bà mua của nhà nước thông qua đấu giá, bây giờ nếu cơ quan nhà nước cần sẽ mua đấu giá hoặc thỏa thuận mức giá; đề nghị bố trí một diện tích đất khác có diện tích, giá trị tương đương và phù hợp với điều kiện sinh hoạt của gia đình bà; trước mắt, bà Tự đề nghị cơ quan THADS trả lại nhà cho bà vì trong đó còn nhiều tài sản.
Về sai phạm thuộc về cơ quan thi hành án, theo ông Quang, những cá nhân để xảy ra sai phạm đã bị xử lý trách nhiệm. “Một cán bộ đã bị bãi miễn, một cán bộ bị điều chuyển công tác” – ông Quang cho biết.
Tuy nhiên, mấu chốt của sự việc, là tới đây, theo quan điểm của Cục THADS TP.Hải Phòng, gia đình bà Tự sẽ được đền bù những thiệt hại về kinh tế. Vô hình trung, nếu đúng như lỗi thuộc về các cá nhân, cơ quan thi hành án huyện An Hải (cũ), ngân sách nhà nước sẽ lại phải “cõng” cho việc khắc phục hậu quả do những cán bộ tư pháp mang lại!?
“THA Hải Phòng không trung thực!”
Bà Phạm Thị Hồng Tự - “nạn nhân” của vụ việc liên quan tới sai phạm của cơ quan thi hành án bức xúc.
Theo bà Tự: tài sản mà bà mua lại từ nhà nước qua hình thức mua đấu giá, nếu nhà nước muốn mua lại, sẽ phải tổ chức bằng hình thức mua đấu giá công khai, hoặc thỏa thuận.
Tại báo cáo số 1006 ngày 26/9/2014 của Cục THADS TP.Hải Phòng gửi Tổng Cục THA (Bộ Tư pháp), về nội dung: Ngày 26/6/2006, UBND TP.Hải Phòng có CV số 258/CV-UB cề việc chấp thuận phương án: Thành phố hỗ trợ cho bà Tự 04 lô đất (mỗi lô có diện tích 100m2); ngày 01/11/2006, Sở TNMT Hải Phòng có CV bàn giao đất làm nhà ở cho các hộ tại phường Đông Hải, quận Hải An diện tích khoảng 500m2; ngày 28/11/2006, Sở TNMT Hải Phòng nhất trí bàn giao 586m2 cho và Tự tại phường Đông Hải nhưng bà Tự không chấp thuận.
“Tôi không hề được thông báo nội dung này. Cục THADS Hải Phòng đã không trung thực trong quá trình thông tin, khiến UBND TP, Bộ Tư pháp nắm bắt vụ việc sai lệch, không chính xác, gây ảnh hưởng đến việc xử lý dứt điểm vụ việc, khiến gia đình chúng tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong suốt một thời gian dài”.
Hai gia đình thành nạn nhân?!
Theo hồ sơ vụ việc: ngay sau khi việc cưỡng chế, bán đấu giá tài sản để thi hành bản án dân sự số 12 thành, bà Phùng Thị Tý đã có đơn khiếu nại gửi đến các cấp.
Ngày 27/12/2004, Bộ Tư pháp có văn bản số 23/TP.THA gửi tới Trưởng Ban chỉ đạo THA TP.Hải Phòng; GĐ Sở Tư pháp TP Hải Phòng.
Trong văn bản này, Bộ Tư pháp cho biết, cơ quan thi hành án của Hải Phòng đã có những sai phạm trong việc kê biên tài sản đấu giá, việc chưa xem xét đến quyền thừa kế của các con người bị thi hành án (ông Nguyễn Thế Lùng chết trước khi có bản án số 12); sai phạm trong quá trình định giá tài sản, hội đồng định giá chưa thực hiện đúng trình tự thủ tục, việc định giá tài sản thấp hơn giá trị thực tế gây thiệt hại kinh tế cho người có tài sản bị định giá; một số sai phạm mang tính chất hình thức khác…
Trước đó, ngày 24/10/2003, Cục THA (Bộ Tư pháp) cũng đã có công văn số 488 về việc yêu cầu hủy kết quả thi hành án; ngày 30/7/2004, Trung tâm DV bán đấu giá TP.Hải Phòng ra quyết định hủy văn bản bán đấu giá. Cùng ngày, gia đình bà Phùng Thị Tý đã nọp trả NHCT chi nhánh quận Hồng Bàng số tiền nợ hơn 177 triệu đồng và hơn 8.8 triệu đồng tiền án phí.
Câu hỏi trong vụ việc phức tạp, kéo dài này, đó là bản án có hiệu lực từ năm 1998, cơ quan THA đã nhiều lần thông báo cho gia đình bà Tý tự nguyện thi hành án nhưng bị đơn không chấp hành, từ đó mới dẫn đến việc cưỡng chế thi hành án. Sau 3 năm, năm 2001, người đấu giá thành đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính để nhận được tài sản mua đấu giá, tiền đấu giá này được hiểu là để thi hành bản án dân sự số 12 đã có hiệu lực.
Thế nhưng, đến năm 2004, bị đơn mới thi hành án và được cơ quan THA Hải Phòng giải tỏa kê biên; ngày 22/2/2005, THADS TP.Hải Phòng ra quyết định giao trả tài sản kê biên cho gia đình bà Tý; ngày 21/10/2005, UBND huyện An Dương ra quyết định hủy bỏ GCNQSDĐ mang tên bà Phạm Thị Hồng Tự, phục hồi giá trị pháp lý GCNQSDĐ mang tên ông Nguyễn Thế Lùng (chồng bà Tý), mặc dù lúc này, thửa đất bà Tự mua qua đấu giá đang thuộc địa giới hành chính của quận Hải An!?
Bà Phạm Thị Hồng Tự lập luận: chúng tôi không liên quan gì đến bản án số 12, việc mua bán qua đấu giá, chúng tôi thực hiện theo thông báo và trực tiếp giao dịch với cơ quan THA và Trung tâm DV bán đấu giá. Tài sản đã mang tên tôi, nhưng hơn chục năm trời tôi không được khai thác giá trị của tài sản này, lại thêm phiền muộn vì quá nhiều các văn bản, giấy tờ… tự dưng cứ “lôi” chúng tôi vào sự việc.
Đồng quan điểm này, Cục THA (Bộ Tư pháp), tháng 11/2005 đã có CV phúc đáp về việc xin ý kiến chỉ đạo của THADS TP.Hải Phòng nói rõ: gia đình bà Tự không phải người thi hành án nên không được áp dụng hình thức cưỡng chế trong trường hợp vợ chồng bà Tự không trả lại nhà đất, chỉ được áp dụng hình thức cưỡng chế hành chính.
Từ thời điểm xảy ra tranh chấp, với quan điểm tài sản mua hợp pháp, hợp lệ từ cơ quan nhà nước, bà Tự kiên trì giữ bằng mọi cách. Đến tháng 3/2014, bà Tự cho biết trong đơn tố cáo, khi bà không có mặt ở Hải Phòng, một số đối tượng lạ mặt đã nhận là chấp hành viên của THA Hải Phòng đến tổ chức cưỡng chế, đuổi các cháu của bà (đang là sinh viên ở trọ nhờ trên thửa đất tranh chấp) và giao cho các con của bà Tý (lúc này vợ chồng bà Tý, ông Lùng đã mất).
Hải Phòng không thông báo phương án với người liên quan!
Trong rất nhiều phương án xử lý vụ việc, ngày 24/9/2014, UBND TP.Hải Phòng đưa ra hai phương án xử lý để xin ý kiến của Thường trực Thành ủy Hải Phòng. Theo đó:
Phương án 1: Trả lại nhà cho gia đình bà Tý, bồi thường cho gia đình bà Tự. Tuy nhiên, UBND TP.Hải Phòng phân tích, phương án này có khó khăn vì trách nhiệm bồi thường nhà nước chưa có văn bản xác định hành vi trái pháp luật; bà Tự không làm đơn yêu cầu bồi thường và không khởi kiện ra tòa.
Phương án 2: Bồi thường cho gia đình bà Tý, trả lại nhà cho gia đình bà Tự. Với phương án này, Hải Phòng tự nhận định sẽ vấp phải nhiều khó khăn do sẽ vấp phải những vấn đè pháp lý phức tạp, khiếu nại tố cáo dai dẳng, bức xúc, nhất là vụ việc đã xảy ra hơn chục năm trước.
Kiên Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét