Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

NHẬT KÝ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT CỦA NHÀ SỬ HỌC TRẦN HUY LIỆU


Trần Huy Liệu
Cuộc đấu tố thí điểm địa chủ Nguyễn Văn Bính, tức Tổng Bính tại xã Dân Chủ ngày 18-5-1953. 
Nhưng mình không dự hội nghị, mà đi dự cuộc đấu địa chủ Nguyễn Văn Bính tức Tổng Bính tại xã Dân Chủ… Theo lối rẽ vào xã Trung Thần, đã thấy từng tốp người từ các ngả đường kéo đến…, trong đó có cả những bà bồng bế con thơ… đôi người đàn bà mặc quần mới. Lũ trẻ con giành nhau chạy trước. Một thanh niên leo lên cây me vệ đường rung cây cho quả rơi xuống để mọi người nhặt… Mình có ấn tượng như đi xem hội ở vùng quê. Họ không nói chuyện gì về đối tượng sắp đem tranh đấu cả.

Vào một nhà tập hợp. Những ủy viên chấp hành nông hội xã và cán bộ đội công tác đương tíu tít về những công việc tổ chức. Ban tiếp tế nấu từng chảo cơm, bày từng dãy mâm cơm cho những “tân khách”, ai muốn ăn thì ghi tên vào với giá tiền 3.000 đồng một bữa. Mình mặc dầu đã mang cơm nếp đi theo cũng ngồi vào ăn. Dọc đường đi đến trường sở ở trong rừng, có dân quân du kích và công an xã vác súng đi lại canh gác. Từng chòm người ngồi xúm xít dưới gốc cây hay trong một chiếc nhà trống. Một chị phụ nữ bán xôi và bánh khúc tha hồ đắt hàng. Nhưng cho mãi đến gần 11 giờ, cuộc đấu mới bắt đầu. Vì thôn nọ phải chờ thôn kia, xóm nọ phải chờ xóm kia. Có người đi từ sáng sớm, chưa kịp ăn cơm. Có người gần trưa mới tới. Ban tổ chức đã không giao trách nhiệm chặt chẽ những người phụ trách các khu vực hướng dẫn quần chúng đến cho được đúng giờ hay ít nhất là không chậm trễ quá. Mình cố ý ngồi lẫn vào từng đám quần chúng để nghe ngóng dư luận, nhưng không thấy gì. Một anh bạn hỏi người ngồi bên thì y nói: “Tôi đối với ông ấy (chỉ địa chủ Tổng Bính) cũng không có chuyện gì”. Ban tổ chức đi gọi người nào có “vấn đề” với địa chủ thì vào trước. Một số lững thững đi vào. Có người không chịu vào trước, nói: “Tôi có ít thôi, để nói vào cuối cùng”. Nhưng có ai biết được người tố cuối cùng sẽ là ai? Trường sở tranh đấu tại một khu rừng thưa, gần cánh đồng, bên một cái đình. Không có hầm hố tránh máy bay gì cả. Cũng may trời nắng ráo. Mưa thì sẽ ra sao? Ngoài lá quốc kỳ và ảnh Hồ Chủ tịch, những khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm”, “Triệt để giảm tô, kể cả thoái tô. Thực hiện giảm tức, phát triển sản xuất. Thực hành tiết kiệm” và một chiếc băng dài đề “Đả đảo và trừng trị xứng đáng tên địa chủ cường hào gian ác Nguyễn Văn Bính”. Mình nhận thấy không có một khẩu hiệu phản đế nào. Một thói quen trong lúc này là người ta mải nhìn vào địa chủ phong kiến mà quên kẻ thù đương phải tranh đấu bằng vũ trang là đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ. Trước mấy chiếc bàn để dành cho chủ tịch đoàn và ban thư ký, một chiếc bục kê lên cho địa chủ quỳ và đằng sau có những biển quy định chỗ ngồi: “địa chủ ngoan cố”, “địa chủ đã thanh toán”, “phú nông nói láo”, “phú nông chưa thành khẩn” và “những người phú nông”. Số quần chúng đến dự độ 700 trở lại. Có cả một số bộ đội và nhân viên cơ quan ở gần. Ban điện ảnh Nha Thông tin có đến quay phim. Theo lời căn dặn của chủ tịch đoàn, thì, khi máy quay phim kêu sè sè, mọi người không nên nhìn vào, mà phải “căm thù địa chủ”. Lễ khai mạc bắt đầu. Trên ghế chủ tịch đoàn là ban chấp hành nông hội, nghĩa là bần, cố, trung nông. Có cả một phụ nữ và một thương binh. Phát ngôn nhân của chủ tịch đoàn cũng dõng dạc mạnh bạo, không kể vô số những sai lầm về danh từ cũng như về văn phạm. Nhưng những lời tuyên bố đầu tiên đã lộn xộn giữa phú nông và địa chủ. Người ta không nói ngay đến địa chủ thủ phạm, mà đã kể đến từng “tên” phú nông thuộc các loại, do du kích áp giải “mời” đến hội trường. Chủ tịch truyền lệnh cho cử tọa hễ thấy địa chủ vào thì hô đả đảo. Một việc làm không cần đến mệnh lệnh. Đến lượt địa chủ vào. Hai tay bị trói quặt ra sau, nhưng vẫn phải bò từ ngoài vào, đeo bên mình những gói quần áo. Ngoài tiếng hô đả đảo, những người ngồi gần lối y vào cũng với tay ra đánh tát tơi bời. Không đợi để quỳ lên bục, một người đã túm lấy tóc mà “tố”. Trận vũ bão bắt đầu.
Mình đã đọc hồ sơ của B., biết rõ tội ác của B. B. trước làm lý trưởng rồi phó tổng hồi Pháp thuộc. Sau Cách mạng tháng Tám, B. làm chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến xã rồi UBHCKC huyện. B. cũng là đảng viên cộng sản đầu tiên ở đây. Một số người vào tố đầu tiên buộc tội B. đã làm tay sai cho Cung Đình Vận, tuần phủ Thái Nguyên ngày trước, để lùng bắt Việt Minh và đồng chí Chu Văn Tấn.
Tuy vậy, ngoài một người ra, hầu hết những người khác đều không đem được ra những bằng chứng cụ thể. Có người không nói được rõ cả việc xảy ra ở đâu ngày tháng nào. Kết quả là B. chỉ nhận sau cuộc Nhật đảo chính Pháp, có nhiều trộm cướp xảy ra, mình làm tổng lý phải đem lính dõng và tuần phiên đi canh gác, thế thôi. Đến lượt tố các vấn đề kinh tế. Một điểm đáng chú ý là trong khi đấu tố địa chủ mà không nổi bật lên cái gì là chiếm đoạt ruộng đất hay tô tức. Người ta chỉ len vào những việc phụ khác như ăn hối lộ, quỵt tiền công, tham ô, đánh người… Có một số người mà phần nhiều là phụ nữ tố tên B. bằng một giọng kể lể tự nhiên thì được công chúng nghe rõ ràng và thấm thía. Một bà đau xót vì chồng bị B. đánh 3 cái ba toong và khi B. vào nhà bà sục bắt cán bộ thời bí mật, cán bộ chạy làm vỡ một rổ bát để nhà bà không có cái bát mà ăn. Một chị ở giơ cái chân khấp khểnh vì bị sâu quảng để truy nguyên vì B. mà què chân. Một anh ở khác tố cáo vì B. không cấp thẻ thuế thân trong thời Pháp thuộc nên không đi đâu được. Tuy vậy, có bà kể lể vì bị quỵt 3 nồi thóc, đi tới kết quả là con ốm bị chết để kết luận bằng câu: “Vậy mày có trả tao 3 nồi thóc không?”. Cũng một bà khác có anh ở cho B. ốm chết, rồi cũng suy luận theo kiểu trên để đi tới đòi mấy nồi thóc tiền công. Một chị chấp hành nông hội, ngồi ghế chủ tịch đoàn là chị Bân đã tố B. cướp một con trâu với tinh thần căm tức dào dạt, nhưng chị vừa nói vừa vỗ tay xỉa xói vào mặt B. khiến mình có cảm tưởng như nghe cuộc cãi nhau của một mụ bán hàng chua ngoa ở chợ Đồng Xuân.
Ngoài ra, không thiếu những điều vô lý đến phì cười Có người tố B. đã quyên tiền của mình để đóng cho Việt Minh trước cuộc Cách mạng tháng Tám mà không nói rõ B. đe dọa nếu không quyên thì sẽ bị giết. Có người tố B. đã làm chết hai du kích chỉ vì B. đã phái đi bố trí trong khi quân Pháp tiến lên Thái Nguyên năm 1947. Có người còn tố B. đã làm thịt lợn đãi du kích mà con lợn đó là lợn nhà của B. Một anh tự xưng là bộ đội Anh Bắc trước cuộc cách mạng trong khi tố B. đã không quên “quảng cáo” cho B. là B. đã đốt bằng sắc của thời Pháp thuộc. Một anh phu phà nhắc lại chuyện năm xưa đã bị B. đánh một cái tát vì té nước vào quần B. rồi cứ sừng sộ mãi: “Mày có phải là cán bộ không?”. Nhiều người tố giác B. đã thừa cơ ăn cắp vải, đồng hồ, súng lục… khi quân ta đánh chiếm Thái Nguyên tháng 8-1945. Rồi sau khi nghe B. phân trần, người ta vẫn cứ truy mãi: “Thế còn đạn mày lấy ở đâu?”. Cuộc tranh đấu càng kéo dài, những vấn đề đem ra tố càng trở nên lung tung, tản mạn. Một chị phụ nữ là y tá của một cơ quan cũng lăng xăng chạy vào hỏi chiếc bút Pắc-ke bị mất năm trước khi cơ quan còn đóng ở nhà B. Một người khác kể tội B. khi dạy học đã dùng thước đánh mình. Nói tóm lại, người ta không còn thấy gì là tính chất giai cấp đấu tranh của nông dân chống địa chủ nữa.
Nếu mình hôm ấy chỉ là một người xa lạ đến dự thì sẽ không biết B. có phải là địa chủ cường hào gian ác không và vì sao phải đem ra đấu tố? Khuyết điểm là chủ tịch đoàn, trước khi đem tố, không giới thiệu tóm tắt những tội trạng của y rồi mọi người đem bằng cớ ra để chứng thực. Những phần tử cốt cán đem ra tố, đã bị bồi dưỡng theo một kiểu cách sai lệch đến lố bịch. Đại đế anh nào chạy ra cũng đầu tiên vỗ ngực bằng một câu hỏi: “Mày có biết tao là ai không?” và “Mày đã dựa vào thế lực nào?”, “Đéo mẹ tiên sư mày, không nhận tao đánh bỏ mẹ bây giờ”… bằng những cử chỉ hùng hổ và quát tháo om sòm, lại không có lý lẽ gì cũng như không đem được ra chứng cứ. Ngu ngốc đến nỗi khi nhắc đến những việc làm thời Pháp thuộc của B, rồi hỏi: “Mày đã dựa vào thế lực nào?”, là có ý chỉ vào thế lực đế quốc cái đó đã đành. Tới khi hỏi những việc làm của B. bằng danh nghĩa chính quyền của ta, cũng cứ gạn hỏi: “Mày đã dựa vào thế lực nào?”. Và nếu quên hỏi câu này thì lại có người nhắc hỏi. Đã thế, không cho “phạm nhân” được trả lời, vì trả lời tức là “ngoan cố”. Những tiếng quát tháo: “Mày còn chối tao đánh bỏ mẹ bây giờ” và những tiếng hò hét của công chúng ở ngoài: “Không cho nó nói”, “Không cho nó phân trần” chỉ tỏ ra những hèn kém, yếu ớt không tin được vào lý lẽ của mình. Sau khi chủ tịch đoàn đọc bản cáo trạng, mình phải lấy làm ngạc nhiên là cuộc tố đã không nêu ra được tội trạng của B. Chẳng những thế, người ta bắt tội nhân phải quỳ trên sàn gỗ tính ra từ 11 giờ đến 4 giở rưỡi chiều. Mỗi khi tội nhân run rẩy gục xuống thì những tiếng thét từ xung quanh lại vang lên: “Quỳ cao lên!”. Anh du kích đứng sau lưng thỉnh thoảng lại dọi một báng súng mỗi khi thấy phạm nhân quỳ thấp xuống, nghĩa là đặt đít vào hai gót chân. Có lúc chủ tịch đoàn ra lệnh cho B. được ngồi xuống một tí thì người tố và quần chúng lại bắt quỳ cao lên. Ngoài hình phạt bắt quỳ thường xuyên, người ta đã đánh đập tội nhân rất tàn nhẫn. Mỗi người ra tố, theo thói quen và bắt chước lẫn nhau, đều nắm tóc tội nhân để giật hỏi. Sau mấy câu hỏi không đi đến đâu, người tố thấy mình trơ trẽn nên phải kết thúc bằng một cái tát để xuống đài. Có người đã thoi vào mang tai tội nhân. Có người đã đá phốc lên bụng. Trong khi ấy, chủ tịch đoàn hay một vài người ở ngoài chỉ khuyên bằng một câu nhè nhẹ “Không cần đánh nó!” hay “Đánh nó thêm bẩn tay!”. Trước mắt mình đã có một ấn tượng rất xấu: một anh, cứ cách năm, mười phút lại lên nắm tóc tội nhân hay xen vào cuộc đấu tố của người khác để hỏi một vài câu trống rỗng, rồi theo đó một cái tát. Mình không thể thấy được ở y một căm thù giai cấp mà chỉ thấy ở y một hèn nhát của một kẻ đánh hôi trong trận đòn hội chợ. Mình còn thấy ở y, cũng như một số khác trong khi đánh đập tội nhân còn có ý biểu dương tinh thần trước mặt cán bộ. Cũng hôm nay, mình còn thấy hai đứa trẻ con trong đám quần chúng cốt cán cũng luôn chạy ra bắt địa chủ phải quỳ cao và túm tóc đánh tát theo kiểu này. Họ hiểu lầm hai chữ “đấu lực” bằng cách dùng nhục hình vô nhân đạo. Họ không biết sức mạnh của giai cấp không phải đánh hôi một cách hèn nhát, có tính chất báo thù cá nhân. Hiện tượng xấu xa này còn do ở những cán bộ của chúng ta, trong khi huấn luyện trong lớp cũng như nói ngoài quần chúng, là: “Kỷ luật thì cấm đánh ẩu, giết ẩu, nhưng nếu nông dân người ta căm thù quá độ mà đánh tát một vài cái thì cũng không sao”. Câu nói này đã trở nên như một châm ngôn. Nó gợi bảo quần chúng là có thể đánh một vài cái được, miễn là đừng đánh chết. Rồi đó, những kẻ lưu manh đã thừa cơ đánh để trả thù hay đánh để chơi, đánh cho thích. Mình thật không muốn thấy nhục hình khôn nạn còn diễn ra dưới chính quyền dân chủ nhân dân này!
Hôm ấy, còn diễn ra một cảnh tượng nữa là người trong gia đình tên B. cũng được áp giải ra hội trường. Trong đó có một bà cụ già khọm, mẹ của B, và một đứa trẻ độ 3, 4 tháng nằm trên bàn tay vợ của B. Chủ tịch đoàn gọi vợ B. lên khuyên chồng thú nhận tội lỗi. Cảnh này chỉ gây cho công chúng rủ lòng thương những kẻ mặc dầu đã sống vào bóc lột và áp bức đương bị trả thù!
Sau trận đấu, chủ tịch đọc bản cáo trạng và cho phép B. được ngồi nghe. Đến lượt cho nói, B. phân trần là trước kia làm tổng lý thì sự áp bức bóc lột nông dân là điều không tránh khỏi. Nhưng sau khi giác ngộ thì B. đã thấy rõ cuộc cách mạng của ta là đánh đổ phong kiến và đế quốc, làm cách mạng ruộng đất. Trên con đường tiến của Liên Xô vĩ đại, B. không dại gì đi vào con đường chết. Từ sau Cách mạng tháng Tám, B. đã tích cực phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nếu có những việc lặt vặt xảy ra, thì nó chỉ là bột phát, không chủ ý. Nếu nhân dân giết y thì y chịu, chớ y không chịu nhận là phản cách mạng, mưu bắt cán bộ. B. nói có thực không, đó là một chuyện. Điều đáng ghi ở đây là cuộc đấu hôm nay đã không đạt được mục đích yêu cầu và không làm cho B. khuất phục. Tuy vậy B. vẫn phải ký vào bản cáo trạng kể trên.
*
Đến lượt Phùng Thái Ký, một Hoa kiều địa chủ kiêm công thương nghiệp. Từ sáng, Phùng vẫn ngồi dưới tấm biển đề “địa chủ ngoan cố”. Thực ra Phùng không phải mục tiêu định đem đấu hôm nay. Nhưng chủ tịch đoàn vừa gọi ra chất vấn, Phùng nói líu tíu khó hiểu, thì mấy nông dân Hoa kiều đã ồ lại thoi đánh túi bụi con của Phùng. Đến đây thì trật tự bị mất hẳn. Chủ tịch đoàn bị động.

Cuộc chất vấn trở thành cuộc đấu. Những việc đem ra tố đều thuộc về hiềm thù cá nhân, xích mích xóm giềng giữa một số Hoa kiều, không có gì là tính chất của nông dân đấu địa chủ. Hầu hết mọi người lại chỉ nhằm vào thằng con của Phùng, một thanh niên ngỗ ngược. Khác với Nguyễn Văn Bính, thằng con của Phùng không thể quỳ cho người ta đánh, mà lăn ra khóc hu hu. Cuối cùng, hai bố con Phùng cũng phải ký vào bản cáo trạng, nhận bồi thường cho nông dân.
*
Ngoài hai địa chủ, đến lượt một số phú nông. Từ sáng, một số phú nông đã phải ngồi theo từng loại.

Khi mà cuộc đấu tố B. đến lúc quyết liệt nhất thì chủ tịch đoàn truyền lệnh cho đem những “phú nông” chưa chịu thanh toán ra một chỗ bắt phải nhận bồi thường cho nông dân. Mà ai cũng thấy rõ là một hình thức uy hiếp phú nông rõ rệt, vượt quá phạm vi “trung lập phú nông” theo sách lược của Đảng.
*
Sau cùng là những lời tuyên bố không phải của chủ tịch đoàn, mà của anh NQC, trưởng đội công tác xã Dân Chủ. Anh hoan hô cuộc thắng lợi của nông dân và nhắc nhở về việc củng cố nông hội.

Nhưng cái điệu lệch của cán bộ là chỉ nhắc đến Hồ Chủ tịch, đến Đảng, mà không nói đến chính quyền dân chủ nhân dân. Những khẩu hiệu hô trước khi mít tinh giải tán cũng thiếu hẳn khẩu hiệu chống đế quốc.
*
4 giờ rưỡi, mít tinh giải tán, mình ra về trong đám quần chúng, nhưng không nhặt được một dư luận nào thêm. Nhọc mệt. Bực bội. Một vài ấn tượng xấu trong cuộc mít tinh vẫn ám ảnh trong đầu mình. 
.......

Nhật ký ngày 31-5-1953
31-5-1953
Sáng sớm, mình xuống xã Dân Chủ cùng hai người trong tổ kiểm tra để kiểm tra việc thoái tô, thoái tiền công và chia quả thực. Nằm ở nhà một bần nông, sáng và chiều vùi đầu vào trong đám giấy tờ của đội công tác để tìm ra vấn đề. Một điều nhận thấy là giấy tờ lộn xộn quá, vì kém văn hóa và thiếu khoa học. Thiếu đến cả những hình thức thông thường. Nhiều tài liệu phải vừa đọc vừa hỏi mới biết rõ sự việc. Trong khoản nông dân bắt địa chủ và phú nông bồi thường có cả khoản trâu bò phá hoại hoa màu từ mấy năm trước. Đến cả bần, cô nông với trung nông cũng thanh toán cả món nợ từ năm nảo năm nào. Có anh cố nông năm nay 39 tuổi khai bị một địa chủ quỵt công ở 25 năm, sau đem bình nghị phải giảm xuống 15 năm. Sau cùng là 9 năm. Có người đòi công ở 2 năm tới 86 nồi thóc (mỗi nồi 22 cân) trong khi công ở mỗi người nhiều nhất trong một năm chỉ có 20 nồi. Hơn nữa có anh bần nông bắt đến địa chủ bắn chết một con lợn 15 cân từ năm 1935 là 8 nồi thóc. Nếu tính theo giá hiện thời: 300 đồng bạc ngân hàng một cân thóc thì con lợn 15 cân ấy (kể cả lòng lẫn cứt), giá bồi thường mỗi cân tới 3.520 đồng, trong khi thời giá chỉ có 2.700 đồng. Ấy là chưa kể con lợn hồi ấy, địa chủ, người bắn chết, có ăn thịt không hay con lợn vẫn về nhà có lợn. Đại để những việc như thế đã nói rõ sự lạm quyền thế mới lên và sự tham lam trắng trợn của một số bần, cố nông chưa được giáo dục.
Buổi tối, mình dự một tổ nông hội bàn về mấy nguyên tắc chia ruộng công. Trong gian nhà bức, nóng, người đến dự vừa đau mắt, vừa buồn ngủ, mỏi mệt, uể oải sau một ngày làm việc dưới nắng hè để sáng mai lại phải dậy sớm đi làm. Trong khi ấy, chủ tọa buổi họp là một cố nông không biết điều khiển gọn ghẽ, cứ hỏi đi hỏi lại, bắt mọi người đều phải phát biểu ý kiến. Có nhiều vấn đề trở đi trở lại mãi. Thêm vào đấy, mấy phần tử cốt cán cứ nói theo giọng cán bộ, tuôn một tràng dài những lý luận và danh từ không cần thiết. Rồi, sau đó, cũng làm đủ mọi phương thức: phê bình hội nghị, duyệt y biên bản, kéo tới 11 giờ khuya.
Nguồn: Trần Huy Liệu – Cõi người. Tác giả: Trần Chiến. 
Nhà xuất bản Kim Đồng, 2009

2 nhận xét:

  1. Đảng cướp Hồ chí minh cướp của giết người không chút ghê taylúc 00:14 14 tháng 9, 2014

    Chính ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa tuyên truyền mà tả cái dã man của chính phủ cộng sản thế này thì quá hay.
    Đúng là tà quyền đảng cướp

    Trả lờiXóa
  2. nói phải nói cho thật không con cháu không có phúc phần đâu! Toàn những lời bịa đặt trắng trợn của tác giả chứ có thấy bằng chứng cụ thể nào đâu, Nội tình cải cách ruộng đất năm 1954 không phải là như lời bác tác giả trên thêu dệt nên! bác nói chỉ nhằm nói xấu đảng, nhà nước. Nếu chúng ta cứ nhìn lại lịch sử thì hoài chẳng bao h chán cả! thử nhìn lại lịch sử của các nước khác xem thế nào nào! Mỹ, pháp, anh... thử xem liệu có sai lầm nào không, chẳng có nhà nước nào có thành công rực rỡ mà không phải thất bại mấy lần

    Trả lờiXóa