Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Hơn 1.000 công nhân đình công ở Sài Gòn

 "Khi đi làm thì được 11.000 đồng/giờ nhưng khi nghỉ thì bị trừ từ 17.000 -19.000 đồng/giờ. Hoặc lấy giờ tăng ca bù vào giờ nghỉ, nhiều công nhân tăng ca không đủ để trừ vào số giờ nghỉ thì bị âm tiền". 

Công nhân công ty Thuận Phương ngừng việc ngày 10/7.
Ngày 10/7, hơn 1.000 công nhân của 2 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM (1 xưởng sản xuất thuộc công ty TNHH may thêu Thuận Phương - D15/8 Đinh Đức Thiện, huyện Bình Chánh và công ty TNHH Hoàng Ngọc Trúc - 223 An Dương Vương, quận Tân Bình) đồng loạt ngừng việc. Nguyên nhân của 2 vụ ngừng việc đều liên quan đến tiền lương.
Tính lương… ỡm ờ
Một số công nhân công ty Hoàng Ngọc Trúc cho biết, từ tháng 3/2013, khi công nhân có việc cần nghỉ thì công ty trừ lương nhưng tiền lương đó lại tính theo lương tăng ca.
“Khi đi làm thì được 11.000 đồng/giờ nhưng khi nghỉ thì bị trừ từ 17.000 -19.000 đồng/giờ. Hoặc lấy giờ tăng ca bù vào giờ nghỉ, nhiều công nhân tăng ca không đủ để trừ vào số giờ nghỉ thì bị âm tiền. Chị thấy ai đi làm mà bị nợ tiền, nợ giờ làm chưa?”, anh L, công nhân công ty Hoàng Ngọc Trúc, bức xúc.
Chị N.T.V.,- công nhân công ty Hoàng Ngọc Trúc cho biết: “Em bị đau ruột thừa, phải mổ, nằm viện bao nhiêu ngày thì trừ bấy nhiêu ngày lương. Ông nội của anh T mất, anh về chịu tang cũng bị trừ lương. Ở đây nghỉ 1 ngày là trừ 1/2 tiền chuyên cần (tiền chuyên cần 300.000 đồng/tháng). Nghỉ 2 ngày là trừ hết chuyên cần. Nghỉ 3 ngày/tháng là hạ bậc lương. Thu nhập mỗi tháng cứ bị trừ đầu trừ đuôi, không còn bao nhiêu cả, làm thêm ngày chủ nhật vẫn tính lương như ngày thường”.
Hơn 1.000 công nhân tại xưởng may thêu công ty Thuận Phương ngừng việc sáng 10/7 cũng vì cách tính lương “không minh bạch” của công ty.
Các công nhân trình bày, mỗi tháng công nhân phải tăng ca từ 50 đến 60 giờ và phải làm ít nhất 2 ngày chủ nhật, chưa kể thứ 7 cũng phải tăng ca. Ngày 9/7, khi công ty phát phiếu lương thì công nhân mới “té ngửa” vì tháng này làm liên tục, sản lượng cao hơn tháng trước nhưng lương thì lại giảm.
Đối chiếu với phiếu lương tháng 6, chị O. cho biết, tháng vừa rồi chị tăng ca 54 giờ, làm thêm 2 ngày chủ nhật nhưng trong phiếu lương chỉ ghi chị tăng có 24 giờ, 2 ngày chủ nhật cũng biến mất, lương lại thấp. Khi thắc mắc thì chỉ được giải thích chung chung, thiếu thuyết phục.
"Công ty nói là tháng này trích lương đóng 6 tháng BHYT cuối năm nhưng tiền có bao nhiêu đâu, trong khi công ty đã cho mượn 300.000 đồng thì lương không thể giảm nhiều như vậy, cầm bảng lương mà chỉ muốn khóc” - chị O. bần thần.
Nhiều sai phạm
Tại công ty Hoàng Ngọc Trúc, nhiều công nhân cho biết, doanh nghiệp này có khoảng 300 công nhân nhưng hơn 200 công nhân không được ký hợp đồng, không có BHXH. “Nhiều người làm việc hơn 2 năm, đề nghị công ty ký hợp đồng nhưng công ty không ký, BHXH, BHYT không đóng.
Lúc mới vào, công ty hứa sẽ hỗ trợ 300.000 đồng tiền chuyên cần nhưng sau đó khi làm đủ định mức công ty chỉ trả 150.000 đồng. Tháng sau làm không đủ định mức, công ty truy thu luôn số tiền này. Đến nay thì hết tiền chuyên cần . Công ty nói tăng ca là tăng ca, không làm thì trừ lương bất kể ngày nghỉ”, một nữ công nhânlàm việc 2 năm ở công ty Hoàng Ngọc Trúc cho biết.
"Ở đây, nghỉ ngày chủ nhật cũng phải xin phép, nghỉ làm 3 ngày chủ nhật thì bị lập biên bản. Công ty liên tục tăng sản lượng, hôm nay sản lượng 500, công nhân hoàn thành thì ngày mai tăng lên 600, cứ như vậy mà tăng. Công nhân không làm kịp thì tăng ca, tăng ca vẫn không hoàn thành thì phải làm ngày chủ nhật và không được tính tiền tăng ca hay tiền làm chủ nhật. Tiền lương của công nhân thì phải rõ ràng”,công nhân công ty Thuận Phương bức xúc.
Đến chiều, phía công ty Thuận Phương đã tập hợp công nhân lại để giải thích nhưng vô hiệu, công nhân nghỉ việc buổi chiều và ra về.
Theo Lao Động

4 nhận xét:

  1. Những chuyện như thế này thì thường xuyên xảy ả và ở chỗ nào cũng có ,có những lúc thì cấp trên làm việc chưa có uy tín nên còn thiếu sót của công nhân ,đến kì chưa có lương thì công nhân đình công thôi ,còn có lúc thì những sản phẩm mà công nhân làm ra chưa thu lại được lợi nhuận cao cho nên công ty cũng chưa có tiền để trả kịp cho công nhân.Để tránh những trường hợp như thế này thì cần phải có được những giải pháp đúng đắn và thích hợp chứ không thể để những trường hợp như thế này xuất hiện lâu dài được.

    Trả lờiXóa
  2. giai thich nhu con TU DO ay ,may bao thuong xuyen xay ra la sao .may dinh boi nho che do XHCN tuoi dep cua cac ong a . thang phan dong .

    Trả lờiXóa
  3. Công nhân đình công thì lý do phần lớn là từ phía lãnh đạo công ty, và chủ yếu là do lương bổng cũng như thời gian làm việc. Những công ty không đáp ứng đúng theo quy định về lương bổng hoặc cố ý tăng thời gian làm của công nhân với lý do không chính đáng. Điều này nếu xảy ra thì việc công ty cố sửa chữa cũng là muộn

    Trả lờiXóa
  4. Thời buổi kinh tế khó khăn nhiều công ty nợ nần chồng chất thậm chí là phá sản. Hàng hóa sản xuất ra thì không tiêu thụ được khiên nhiều nhà xưởng phải tạm dừng hoạt động , thậm chí đóng cửa. Điều đó dẫn đến những hệ lụy xấu như tình trạng của nhà máy trong bài viết. Mong rằng sự việc sớm được giải quyết thỏa đáng để công nhân có thể ổn định cuộc sống.

    Trả lờiXóa