Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Trở lại bài: Oan đến bao giờ?


Báo Người cao tuổi đăng loạt bài “Oan đến bao giờ?” phản ánh trường hợp chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên BCH Hội Phụ nữ huyện, cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre bị Công an huyện bắt giam oan sai, tra tấn nhục hình rồi đưa vào Bệnh viện Tâm thần Đồng Nai gửi mà gia đình không hề hay biết. Sau hơn ba năm khiếu nại, đến nay Công an huyện và Viện KSND tỉnh Bến Tre vẫn trả lời quanh co, không khôi phục việc làm cho người bị hại...
Sai không chịu sửa?
Vụ án “Hủy hoại tài sản” đã được Tòa án nhân dân huyện Bình Đại xét xử công khai, đúng người đúng tội. Những kẻ cố tình hủy hoại tài sản đã chịu mức hình phạt nghiêm khắc, hiện đã mãn hạn tù. Còn chị Nguyễn Thị Tuyết Nga vẫn tiếp tục đội đơn đi khiếu kiện để được khôi phục việc làm nhưng những cơ quan bắt giam người trái pháp luật như Công an và Viện KSND huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre thì “hứa lèo” rồi trả lời bằng văn bản xuyên tạc sự thật, né tránh trách nhiệm, không chịu khắc phục hậu quả. Sau khi ông Nguyễn Văn Nghiêm, cha của nạn nhân, thương binh 1/4, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội Bình Đại liên tiếp gửi đơn kêu oan cho con mình, các cơ quan Trung ương đã chuyển đơn về địa phương chỉ đạo giải quyết. Ngày 1-6-2012, ông Trương Văn Tỷ, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bến Tre kí Văn bản số 101/P2-VKS về việc trả lời: “Nguyễn Thị Tuyết Nga là đồng phạm với vai trò xúi giục… Về y học: Trước, trong và sau khi gây án đương sự bị rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng phấn. Về pháp luật: Đương sự gây án trong giai đoạn bệnh tiến triển do hoang tưởng chi phối, không nhận thức và điều khiển được hành vi”. Trong thời gian ông Nghiêm gửi đơn tố cáo hành vi trả lời sai sự thật của ông Trương Văn Tỷ, ngày 11-7-2012, ông Nghiêm lại nhận được Văn bản trả lời số 41/CSĐT của Đại tá Võ Hùng Dũng, Trưởng Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Đại, cũng “sao chép” tựa trả lời của Viện KSND tỉnh. Chúng tôi cho rằng chị Nga bị bệnh tâm thần là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi các lí do sau đây:

Một là, chị Nguyễn Thị Tuyết Nga từ khi sinh ra và lớn lên đến nay trong suốt quá trình 17 năm học tập, rèn luyện từ mẫu giáo đến tốt nghiệp đại học và hàng chục năm làm cán bộ ngân hàng không hề có biểu hiện bệnh lí tâm thần.
Ông Nguyễn Văn Nghiêm và chị Nguyễn Thị Tuyết Nga.
Hai là, quá trình công tác trong ngành ngân hàng, chị Nga được giao nhiệm vụ quản lí số vốn cho vay ở 20 xã tại huyện Bình Đại không để sai sót. Khi chị Nga đang bị tạm giam, Giám đốc và kế toán Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vẫn thường xuyên đưa rất nhiều bộ hồ sơ trước đây chị Nga đảm trách cho vay vốn để chị kí xác nhận. Nếu kết luận như ông Trương Văn Tỷ, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bến Tre là “Trước, trong và sau khi gây án bị rối loạn phân liệt…” thì làm sao chị Nga có đủ minh mẫn, bản lĩnh và trí tuệ để kí xác nhận hàng loạt bộ hồ sơ của các đối tượng vay vốn ngân hàng? Ngược lại, nếu chị Nga bị bệnh tâm thần, tại sao trong trại giam mà cơ quan CSĐT và VKS lại cho chị Nga thực hiện những công việc hệ trọng như vậy? Ba là, giả sử trong trường hợp chị Nga bị bệnh tâm thần, tại sao khi đưa chị Nga vào Bệnh viện Tâm thần Đồng Nai, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Đại không thông báo cho gia đình biết? Bốn là, theo trả lời của Phó Viện trưởng Trương Văn Tỷ thì “Nguyễn Thị Tuyết Nga là đồng phạm với vai trò xúi giục…”. Trước phiên tòa hình sự sơ thẩm, ba tên trực tiếp gây án khai báo nhận tội trước tòa, tên Phú khẳng định do y chủ mưu: “Vì tức giận không yêu được Nga nên kích xúi đàn em thuốc ao tôm trả thù chơi”. Chứng cứ này hoàn toàn phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án! Năm là, nếu chị Nga là kẻ chủ mưu, đồng lõa, xúi giục gây ra vụ án “Hủy hoại tài sản” thì làm sao có chuyện khi ông Nguyễn Văn Nghiêm (cha chị Nga) rất nhiều lần đến gặp ông Nguyễn Minh Ngọc, Viện trưởng Viện KSND huyện và ông Võ Hùng Dũng, Trưởng Công an huyện Bình Đại, cả hai ông đều hứa: “Sau tết Nguyên đán Nhâm Thìn (2012) sẽ phục hồi lại việc làm cho Nga…?”. Sáu là, ông Võ Hùng Dũng, Trưởng Công an huyện khẳng định chị Nga bị giam trong trại tạm giam không bị đánh đập, tra tấn, nhục hình… nhưng thực tế cho thấy khi chị Nga bị tra tấn quá nhiều. Thiếu tá Phạm Thị Thẻ (người trực tiếp tra tấn) sợ chị Nga cắn lưỡi tự tử chết nên gọi bác sĩ Trần ở Trung tâm Y tế huyện vào chích thuốc làm tê liệt hai hàm răng chị Nga để khỏi cắn vào lưỡi, không hiểu thuốc chích vào người chị Nga là loại thuốc gì? Ông Nguyễn Văn Nghiêm một mực khẳng định, con gái ông không bao giờ có biểu hiện bệnh tâm thần, ông luôn nghi vấn và bày tỏ nỗi đau buồn bức xúc về liều thuốc bác sĩ Trần chích vào cơ thể con gái ông có phải thuốc tê hay không? Tất cả những chứng cứ nêu trên, khẳng định chị Nga không có biểu hiện tâm thần.
Gia đình chị Nga đang sống trong hoàn cảnh hết sức cay nghiệt, nghèo khổ. Không nhà, không đất đai ruộng vườn, cả năm miệng ăn phải đi thuê nhà ở trọ tại thị trấn Bình Đại. Nguồn thu nhập chính là bán vé số dạo. Ông Nguyễn Văn Nghiêm, thương binh 1/4, mất sức lao động trên 81%, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bị thương 19 lần. Ông được đồng đội cũ ca tụng “người có công lao lớn nhất huyện” trong kháng chiến, hiện vẫn chống nạng ôm nỗi đau đi kêu oan cho con. Hơn ba năm nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre vẫn đang chờ đợi câu trả lời của Viện KSND huyện Bình Đại. Chị Nga đang cần trả lại việc làm, nhưng Ngân hàng trả lời: “Khi khởi tố bắt giam chị Nga thì Viện KSND huyện có thông qua bằng văn bản, nay muốn giải quyết việc làm lại cho chị cũng phải có ý kiến trả lời bằng văn bản từ phía VKSND huyện”.
Báo Người cao tuổi đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để đem lại sự công bằng cho những người vô tội
Bài, ảnh: Hải Đăng - Tùng Lâm - Thiên Thanh

1 nhận xét: